Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

5 bí quyết khiến khách hàng mở thư điện tử tiếp thị

Để các bức thư điện tử tiếp thị của doanh nghiệp được những người nhận sẵn sàng mở và đọc ngay, chúng phải gây được sự quan tâm, chú ý của họ.


Theo các chuyên gia tiếp thị, doanh nghiệp có thể thực hiện điều này bằng một trong năm bí quyết sau đây.

1. Gửi thư thông qua khách hàng hiện tại hoặc người quen. Sau đó, nhờ người này chuyển tiếp email của mình cho một vài khách hàng tiềm năng và sao gửi (c.c) cho doanh nghiệp. Người nào nhận được bức thư do một người quen gửi thường yên tâm đón đọc hơn so với trường hợp nhận được thư từ người lạ. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo email tiếp thị của doanh nghiệp được khách hàng tiềm năng mở ra.

2. Nêu tên của một người quen trong câu tiêu đề. Nếu không thực hiện được cách nói trên, doanh nghiệp có thể thử cách kế tiếp là nêu tên một khách hàng hiện tại hay một người quen trong câu tiêu đề của email gửi đến khách hàng tiềm năng biết rõ người đó. Ví dụ có thể ghi “Chị A đã giới thiệu về anh và chúng tôi muốn gửi tới anh vài thông tin hữu ích để anh tham khảo”. Tất nhiên, cần xin phép người được nêu tên trước khi sử dụng tên của họ. Bằng không, người nhận sẽ có thể hỏi lại người được nêu tên và nếu người ấy phủ nhận thì doanh nghiệp sẽ bị mất uy tín.

3. Nêu ra trải nghiệm tích cực của một khách hàng hiện tại. Có thể ghi câu tiêu đề như “Bạn có muốn biết chúng tôi đã giúp Công ty B tiết kiệm được 20% chi phí văn phòng như thế nào không?”. Tương tự trường hợp trên, doanh nghiệp cũng phải xin phép Công ty B về việc sử dụng tên của họ trong email gửi cho các khách hàng tiềm năng.

4. Nêu tên đối thủ cạnh tranh của khách hàng tiềm năng. Trường hợp này thường được áp dụng khi doanh nghiệp muốn mở rộng thị phần trong một phân khúc có nhiều đối thủ cạnh tranh. Câu tiêu đề trong trường hợp vừa nêu trên sẽ được điều chỉnh thành “Tin đáng chú ý: Nhiều công ty đã thành công trong việc vận dụng tư vấn để tiết kiệm được 20% chi phí văn phòng”. Chắc chắn là doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến những điều mà các đối thủ cạnh tranh đang làm và muốn vận dụng những sáng kiến mới thực sự hữu ích của chính đối thủ. Tuy nhiên, phải đảm bảo chắc chắn rằng doanh nghiệp có đủ bằng chứng để chứng minh điều mình đã nêu ra trong câu tiêu đề là chính xác.

5. Nêu ra một lợi ích trong tương lai. Ngoài bốn cách trên, doanh nghiệp có thể nhấn mạnh một lợi ích quan trọng đối với khách hàng, chẳng hạn có thể viết một câu tiêu đề tạo sức hấp dẫn là “Ba cách hay để tiết kiệm 20% chi phí văn phòng”. Lưu ý rằng lợi ích càng cụ thể (định lượng được rõ ràng) thì tỷ lệ mở thư sẽ càng cao

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Tạo động lực làm việc cho bản thân

Điểm khác biệt giữa một người thành công trong việc phát triển bản thân và đạt được mục tiêu với những người khác chính là họ luôn luôn hành động. Tuy nhiên, muốn vậy bạn cần phải có một nguồn năng lượng nội tại dồi dào. Việc tìm ra cảm hứng cho hành động của mình chính là một trong những cách tuyệt vời nhất để tạo động lực làm việc. Sau đây là 7 cách "thắp lửa" cho bản thân và thúc đẩy bạn hành động cho bạn




1. Hãy là người quyết đoán

Hãy quyết định điều bạn muốn làm và bắt tay vào thực hiện bởi vì nếu cứ chần chừ và thiếu quyết đoán thì bạn sẽ rơi vào tình trạng tê liệt khả năng phân tích. Việc đưa ra quyết định và hành động sẽ tạo nên động lượng và thổi bùng ngọn lửa trong bạn. Cố gắng vạch rõ mọi kế hoạch, từng bước thực hiện chúng. Đồng thời chú ý theo dõi, kiểm tra kết quả, học hỏi và điều chỉnh bản thân trong suốt quá trình đó.


2. Lời nói đi đôi với việc làm

Có thể bạn muốn thực hiện các dự định lớn lao của bản thân nhưng có thật bạn đang làm theo đúng những gì mình đã nghĩ không? Bạn dành bao nhiêu giờ mỗi tuần để thực hiện chúng? Kế hoạch của bạn là gì? Chẳng hạn như bạn muốn thành công trong công việc. Vậy bạn chọn ai là người cố vấn và hình mẫu cho mình? Bạn đã làm gì để hiện thực hoá lời nói của bản thân? Nên nhớ chỉ khi lời nói và hành động nhất quán với nhau thì bạn mới có sự lựa chọn tốt hơn, tự tin hơn và tạo ra nguồn năng lượng để nâng cao sức mạnh tinh thần.


3. Học hỏi từ danh ngôn

Những câu nói nổi tiếng là người bạn đồng hành rất hữu ích trong cuộc sống của chúng ta. Bất cứ khi nào bạn cần tập trung sức mạnh tinh thần chúng sẽ nhắc nhở bạn tiến tới. Một trong số đó là câu nói có tác dụng khơi dậy động lực của thủ tướng Anh Winston Churchill: "Kẻ đi đến cùng mới là người chiến thắng".


4. Noi theo gương những người thành công

Hãy tìm kiếm những tấm gương tích cực giúp bạn lên dây cót tinh thần và vẽ ra viễn cảnh tươi sáng cho mình. Điều này có thể gia tăng sức mạnh tinh thần của mỗi người. Ví dụ như huyền thoại điện ảnh Lý Tiểu Long đã làm cho công chúng kinh ngạc về những thành tựu của mình trong lĩnh vực triết học và võ thuật. Cho dù vấn đề bạn phải đối mặt là gì thì cũng luôn có người đã vượt qua được. Bạn có thể noi theo họ để thành công hoặc chí ít cũng học hỏi được những kinh nghiệm bổ ích.
 

5. Lưu giữ những khoảnh khắc tạo ra động lực trong tâm hồn

Tất cả chúng ta đều lưu giữ trong ký ức những cảnh phim ấn tượng trong tác phẩm mà mình ưa thích. Điều đó sẽ khơi nguồn cảm hứng và động lực làm việc cho mỗi người. Vì thế đừng bỏ qua bất kỳ cảnh phim nào mang lại sức mạnh cho bạn. Bên cạnh đó, hãy tìm kiếm trong cuộc sống thực hằng ngày bởi vì bất kỳ ai cũng có những khoảnh khắc toả sáng và hãy nhớ về chúng khi bạn cần sự trợ giúp về tinh thần.


6. Hướng đến tương lai

Cứ nhìn về quá khứ sẽ khiến bạn không thể phát triển bản thân. Thay vào đó hãy hướng về tương lai và mường tượng ra những gì mình mong muốn. Điều này sẽ mang lại hy vọng cho bạn. Ngoài ra, nhìn mọi việc với một quan điểm tích cực còn giúp bạn xác định được mục tiêu của mình. Vì thế đừng tạo ra quá nhiều áp lực bắt buộc bản thân phải làm gì đó cho bằng được mà hãy để thành công lôi kéo bạn. Hãy tưởng tượng mình là một thỏi nam châm. Quan điểm càng tích cực thì "lực kéo" này càng mạnh. Một số cách đơn giản để xác định mục tiêu trong tương lai đó là trả lời những câu hỏi như "Làm thế nào để giải quyết việc đó?", "Ưu điểm của nó là gì?" hay "Đâu là quyết định cuối cùng?". Những câu hỏi luôn là cách hiệu quả để thay đổi quan điểm của bạn.


7. Kết nối với những giá trị của bản thân

Bạn có thể kết nối những gì mình làm với các giá trị của bản thân. Đây là cách khơi nguồn cảm hứng với kỹ năng một cách mạnh mẽ. Chẳng hạn hãy nói lên những giá trị của bạn như "tiếp tục việc học" hay "thăng tiến". Mỗi khi được giao nhiệm vụ hãy tự hỏi mình "Tôi có thể học được gì từ nó?" hay "Tôi có thể cải tiến nó bằng cách nào?". Chỉ bằng cách kết nối với những giá trị của bản thân bạn có thể khơi dậy nguồn sức mạnh tinh thần. Những giá trị này còn mang lại nguồn năng lượng và làm bạn hào hứng hơn. Nếu giá trị của bạn là "phiêu lưu" thì hãy biến mỗi dự án trong công việc của mình thành một chuyến phiêu lưu thực sự. Và hãy nhớ luôn luôn tồn tại những đối thủ hay chướng ngại mà bạn cần phải vượt qua để thành công cũng như sự phát triển bản thân trên chuyến đi đó.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Những kỹ năng đem đến cơ hội cho bạn

Đó là những kỹ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không phải những cá tính, nhưng quyết định cơ hội có được việc làm của bạn.

Làm việc nhóm (Team work)
: Là kỹ năng tương tác giữa các thành viên trong một nhóm, nhằm thúc đẩy công việc phát triển. Khi làm việc theo nhóm, để đạt được mục tiêu, đòi hỏi mỗi người phải phát huy tốt nhất thế mạnh của mình để bổ sung cho nhau.

Bạn cần nắm vững những kỹ năng sau để làm việc nhóm đạt hiệu quả nhất: Xây dựng vai trò chính; Phát triển quá trình làm việc; Kỹ năng quản lý hội họp; Sáng tạo và kích thích tiềm năng.

Giải quyết vấn đề (Problem solving)
:
Là cách thức suy nghĩ nhằm làm rõ và đưa ra giải pháp thực thi để cải tiến một vấn đề, cốt lõi là tìm cách đạt được mục đích khi gặp trở ngại hoặc chỉ có những điều kiện rất hạn chế để thực hiện mục đích.

Kỹ năng này gồm: Xác định vấn đề; Phân loại; Mô hình hoá; Sử dụng các công cụ để giải quyết; Lên quy trình giải quyết.

Kỹ năng giao tiếp (Communication): Mục đích của giao tiếp là phải truyền tải được các thông điệp. Muốn truyền đạt thành công, bạn phải truyền đi được suy nghĩ cũng như ý tưởng của mình một cách hiệu quả nhất. Nếu không, những ý tưởng của bạn sẽ không được phản ánh, gây nên sự hiểu lầm và tạo ra những rào cản để bạn đạt được mục tiêu.

Nên ứng dụng kỹ năng giao tiếp qua các hoạt động: Thuyết trình trước đám đông; Truyền đạt thông tin; Lắng nghe và thu thập thông tin.

Tư duy phản biện (Critical thinking): Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Đó là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác nhằm xác định lại tính chính xác của thông tin. Lập luận phản biện cần phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng và khách quan.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Ý Nghĩa đằng Sau Mỗi Câu Hỏi Phỏng Vấn

Có lẽ bạn đã quen thuộc với những câu hỏi phỏng vấn kiểm tra kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn. Đôi lúc bạn quá tập trung “phô diễn” kinh nghiệm mà thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho những câu hỏi “dễ mà khó” khác. Dễ vì những câu hỏi này bạn vẫn thường gặp. Khó vì ẩn chứa đằng sau mỗi câu hỏi là một bài kiểm tra về thái độ, tính cách, khả năng chịu áp lực hay một số “bẫy” mà bạn không nhận ra.

Những câu hỏi kiểm tra mục tiêu nghề nghiệp và niềm đam mê:
1. Vì sao bạn rời bỏ công việc hiện tại?
2. Vì sao bạn muốn công việc này?
3. Hãy mô tả công việc lý tưởng của bạn.

Dĩ nhiên phải có lý do bạn mới nghỉ việc. Nhưng bạn nhìn sự việc đó một cách tích cực hay tiêu cực? Bạn có xác định rõ ràng bước đi kế tiếp của mình hay chỉ muốn thoát khỏi công việc hiện tại? Nhà tuyển dụng (NTD) đánh giá cao những ứng viên có mục tiêu rõ ràng cho sự nghiệp và có thái độ tích cực. Niềm đam mê với công việc sẽ thể hiện qua ánh mắt, gương mặt và cảm xúc khi bạn nói về việc làm bạn yêu thích.

Những điều nên tránh:
- Than phiền về công việc. Cho dù bạn chỉ muốn thoát khỏi công việc hiện tại càng sớm càng tốt, bạn cũng không nên than phiền vì chẳng ai muốn tuyển một người suy nghĩ tiêu cực vào đội ngũ của mình.
- Không biết mình muốn gì. “Tôi muốn được thử thách” là một câu trả lời sách vở. Nếu NTD tiếp tục xoáy sâu vào câu trả lời này và bạn không đưa ra lời giải thích hợp lý, bạn sẽ bị mất điểm.

Những câu hỏi kiểm tra thái độ:
1. Những thất bại/ thành công lớn nhất của bạn?
2. Kiểu đồng nghiệp nào bạn ghét nhất?
3. Mâu thuẫn gần đây nhất giữa bạn và đồng nghiệp là gì?

Kinh nghiệm có thể tích lũy, kỹ năng có thể rèn dũa, nhưng thái độ khó có thể thay đổi. NTD tìm kiếm những ứng viên có thái độ tích cực, chuyên nghiệp, sẵn sàng học hỏi và đam mê công việc hơn là những ứng viên nhiều kinh nghiệm, giỏi kỹ năng nhưng suy nghĩ tiêu cực, đố kị hay chỉ biết than phiền.

Những điều nên tránh:
- Không thừa nhận sai lầm vì sợ bị đánh giá thấp. “Tôi chưa từng thất bại” là câu trả lời không thành thật. Tuy nhiên, nếu có nói về thất bại cũng đừng đổ lỗi cho sếp hay đồng nghiệp; hãy kể câu chuyện một cách khách quan, tích cực và đề cập những điều bạn đã học được từ thất bại đó.
- Tạo ra câu chuyện không thật. Hãy kể câu chuyện của chính bạn. Nếu bạn chưa có một thành công lớn, hãy kể những kết quả nhỏ. Đừng cố lấy thành tựu của người khác và biến mình thành nhân vật chính. NTD sẽ nhận ra qua ngôn ngữ cử chỉ vì chỉ những ai kể câu chuyện của chính họ mới thể hiện được cảm xúc thật.

Những câu hỏi dưới dạng tình huống, kiểm tra khả năng ứng biến và tư duy logic:
1. Nếu trở thành bộ trưởng giao thông vận tải, bạn sẽ làm điều gì trước tiên?
2. Nếu không phải lo lắng về mặt tài chính, bạn sẽ chọn công việc gì?
3. Giả sử bạn được tuyển, bạn sẽ làm gì trong 90 ngày đầu tiên?

Một số vị trí yêu cầu ứng viên khả năng chịu áp lực tốt và khả năng xử lý vấn đề nhanh nhạy. Cách kiểm tra khả năng này tốt nhất là đưa ra tình huống giả định để bạn xử lý. Quan trọng là bạn biết cách lý giải logic cho từng giải pháp vì không có câu trả lời đúng hay sai trong những trường hợp này.

Những điều nên tránh:
- “Tôi chưa bao giờ ở trong tình huống này nên tôi chưa nghĩ ra mình phải làm gì.” Câu trả lời này sẽ đặt dấu chấm hết cho tất cả vì chẳng ai muốn có một nhân viên không có khả năng giải quyết vấn đề.
- Suy nghĩ lâu vì bạn muốn 1 câu trả lời hoàn hảo. Trên thực tế không có câu trả lời hoàn hảo nên nếu bạn dành quá nhiều thời gian suy nghĩ, NTD sẽ đánh giá bạn không nhanh nhạy trong giải quyết vấn đề.

Những câu hỏi tìm hiểu sự phù hợp văn hóa:
1. Như thế nào là một môi trường làm việc lý tưởng đối với bạn?
2. Bạn thích cách quản lý như thế nào?
3. Nếu có những lúc công việc yêu cầu bạn làm việc vào cuối tuần, bạn có đồng ý không?

Doanh nghiệp nào cũng muốn có được những nhân viên cùng chia sẻ giá trị với doanh nghiệp vì họ chính là những người sẽ gắn bó lâu dài và sẵn sàng vượt qua những thách thức để đạt mục tiêu chung.

Những điều nên tránh:
- Đừng lý tưởng hóa môi trường làm việc vì không có môi trường nào là hoàn hảo. Bạn nên đưa ra tối đa ba điểm bạn đang tìm kiếm; và lắng nghe NTD chia sẻ. Đôi khi bạn sẽ thấy có những điểm không phù hợp với mong muốn của mình. Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn những nơi phù hợp nhất với mình.
- Không có chính kiến. Nếu bạn không biết mình đang tìm kiếm điều gì, nơi nào sẽ giúp bạn phát huy tối đa khả năng cũng như đạt được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai, bạn không thể thuyết phục NTD bạn là một ứng viên tiềm năng.

Những câu hỏi về kỹ năng lãnh đạo:
1. Bạn đã bao giờ cho 1 nhân viên nghỉ việc chưa? Vì sao?
2. Bạn thường gặp khó khăn gì trong quá trình quản lý một nhóm?
3. Nếu một người bạn của bạn vừa được thăng chức, anh ấy đến hỏi bạn 3 lời khuyên về kỹ năng lãnh đạo. Vậy bạn sẽ cho anh ấy 3 lời khuyên gì?

Lãnh đạo là kỹ năng quan trọng nhất của những vị trí quản lý. Doanh nghiệp có những nhà lãnh đạo giỏi ở vị trí chủ chốt sẽ thành công. Chính vì vậy, khi phỏng vấn cho những vị trí này, NTD sẽ luôn kiểm tra và đánh giá ứng viên thật cẩn thận.

Những điều nên tránh:
- Coi thường nhân viên. Nếu bạn tỏ ra coi thường những nhân viên của mình chỉ vì họ chưa có kinh nghiệm hay phạm một sai lầm nào đó, bạn sẽ nhận điểm trừ. Một lãnh đạo giỏi không chỉ biết đem lại kết quả, mà còn phải xây dựng những mối quan hệ tích cực với nhân viên bằng niềm tin và sự nể trọng.
- Bối rối vì không thể nghĩ ra bất cứ lời khuyên nào. Điều này chứng tỏ bạn có một chức danh quản lý nhưng chưa phải là một người lãnh đạo thực sự. Hãy gặp và nói chuyện nhiều hơn với những người bạn nể trộng họ vì khả năng lãnh đạo để học hỏi thêm.
- Không thừa nhận khó khăn và sai lầm. Thừa nhận sai lầm ở vị trí lãnh đạo khó khăn hơn nhiều khi bạn ở vị trí nhân viên. Nhưng hãy thành thật với chính mình và chia sẻ những thất bại và bài học bạn không bao giờ quên. Chúng ta đều trưởng thành nhờ những sai lầm đó.

Thực tế là bạn sẽ “chạm trán” nhiều câu hỏi khác ngoài những câu hỏi trên. Mỗi câu hỏi đều ẩn chứa một ý nghĩa nhất định, giúp NTD chọn những ứng viên phù hợp nhất. Chính vì vậy, sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng và thái độ tích cực chính là chìa khóa giúp bạn mở lối thành công trên con đường sự nghiệp.

Hãy trao quyền tự quyết cho nhân viên

Giới kinh doanh ngày nay đã nghe nói nhiều tới thành công của những tổ chức được đặc trưng hóa bằng thuật ngữ “tổ chức một người”, nghĩa là thành công của cả tổ chức chỉ nhờ vào một nhân vật: nhà lãnh đạo. Nhưng đại đa số các trường hợp thành công khác, chính cấp dưới mới thực sự là những người mang lại thành công cho tổ chức.

Bạn hãy lựa chọn nhân viên một cách thận trọng và đúng lúc, sau đó cho họ quyền tự do hành động trong một giới hạn phù hợp. Nhiều con người, lẽ ra đáng giá một trăm đô-la, nhưng mãi mãi chỉ là một cấp dưới đáng giá mười lăm đô-la, chỉ vì không được cung cấp một phạm vi đủ rộng để hoạt động và không được tạo điều kiện để phát triển. Lãnh đạo doanh nghiệp có thể không phát hiện ra khả năng của một nhân viên ngồi tại một góc nào đó trong văn phòng, nhưng rất có thể anh ta sẽ “toả sáng” nếu có cơ hội trổ tài và nếu được trao một phạm vi quyền hạn đủ lớn để sáng tạo.
Các công ty nên tuyển chọn một nhân viên từ khi anh ta còn trẻ với mức lương khởi điểm khiêm tốn, sau đó huấn luyện và tạo cho anh ta những cơ hội thăng tiến. Cách làm đó hay hơn nhiều so với việc tiếp nhận lại một nhân viên đã từng làm việc ở các doanh nghiệp khác và biến anh ta thành cấp trên của các nhân viên cũ.
Muốn có thành công lâu bền, bạn hãy cố gắng làm sao để nhân viên có thể phát triển cùng với doanh nghiệp. Khi đã lựa chọn được một nhân viên ưng ý, bạn cần tạo cho anh ta những cơ hội, thử thách, sau đó đánh giá xem anh ta “biết làm gì”, đồng thời có những điểm hạn chế nào. Tuy nhiên, như thế chỉ đủ để xác định xem anh ta có phải là một nhân viên thích hợp với công việc hay không. Phát triển nhân viên, nghĩa là mở ra trước anh ta một khoảng trời tự do và trao cho anh ta quyền tự quyết các vụ việc theo thẩm quyền, còn bạn sẽ giám sát kết quả đạt được trong một khoảng thời gian nhất định.

Con người trưởng thành từ những sai lầm

Con người rút kinh nghiệm thông qua những sai lầm của chính mình. Một nhà quản lý giỏi cần biết kỳ vọng và khuyến khích nhân viên của mình sáng tạo cho dù mắc sai lầm, bởi vì chỉ bằng cách đó, nhân viên mới có được kinh nghiệm. Quản lý nhân viên theo cách này có thể tốn kém trong thời gian đầu, nhưng lại là phương thức duy nhất để đào tạo một nhân viên cho những vị trí cao hơn và quan trọng hơn trong tương lai.
Chúng ta đều biết rằng, không ai có thể trở thành “thiện xạ” mà chưa từng lãng phí đạn dược. Tương tự như thế, nhà quản lý cần phải chịu các chi phí thử nghiệm và cho phép nhân viên mới thể hiện khả năng của mình, mặc dù kết quả thu được sẽ không đến tức thời mà chỉ thấy được sau một thời gian nào đó. Nếu một nhân viên liên tục mắc sai lầm và không đạt được kết quả nào đáng kể thì người đó chắc chắn phải ra đi. Nhưng, ngược lại, nếu các thí nghiệm khẳng định anh ta có năng lực thì bạn nghĩ đến việc thăng chức và tăng lương cho anh ta trong một tương lai gần.
Lợi thế lớn nhất của phương pháp này là tạo cho nhân viên niềm tin vào bản thân – nếu không có phẩm chất này, anh ta không thể làm việc hiệu quả và không thể thành công, kể cả trong công việc cá nhân cũng như trong những chung của doanh nghiệp. Sự tự tin có thể được ví như mảnh đất ươm mầm sáng tạo, từ đó tạo ra lợi nhuận cho công ty.

Trao quyền chủ động và tự quyết

Cách tốt nhất để nhân viên trung thành với công ty là ngay từ đầu cho họ biết rằng họ được toàn quyền chủ động trong công việc của mình. Ai cũng muốn làm việc lâu dài cho một công ty mà tại đó, anh ta có thể phát huy tiềm năng cao nhất của mình, và ở đâu duy trì được quan điểm như vậy thì nhân viên ở đó không bao giờ nuôi ý định bỏ đi tìm chỗ làm khác tốt hơn. Song đôi khi, công ty cũng gặp phải những nhân viên có năng lực hạn chế, thể hiện qua việc “giữ nguyên hiện trạng” sau khi đã đạt đến mức phát triển tối đa.
Người lãnh đạo công ty nên thường xuyên trao đổi với nhân viên về các phương pháp làm việc, mặc dù đây không phải vấn đề cần được quan tâm quá nhiều. Quan trọng hơn hết là thành quả sau cùng – doanh thu, lợi nhuận. Người lãnh đạo cần tỏ rõ quan điểm: “Tôi không quan tâm đến phương pháp làm việc của từng nhân viên trong từng bộ phận, chừng nào anh ta còn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Thành công cần được khen ngợi kịp thời và nhấn mạnh đó là thành tích của một số cá nhân cụ thể. Cần làm cho mỗi nhân viên hiểu rằng, khả năng thăng tiến của anh ta phụ thuộc vào những nỗ lực bản thân và chất lượng công việc mà anh ta thực hiện. Nếu một nhân viên bán hàng tăng được 3% doanh số bán hàng tại địa bàn anh ta phụ trách trong một khoảng thời gian nào đó, thì nghiễm nhiên anh ta có quyền được tiếp tục làm việc trong công ty bất kể anh đạt được kết quả đó bằng cách nào.
Trong các chỉ dẫn dành cho nhân viên, chắc chắn sẽ có nhiều điều …phản tác dụng. Vì thế, bạn đừng quá đi sâu vào chi tiết- những chỉ dẫn quá cụ thể sẽ biến con người thành cái máy. Khi giao việc cho ai đó, không bao giờ nên nói “hãy làm chính xác như thế này”, hay “không được làm như thế”, mà hãy nói: “Hãy giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất trong khả năng của anh”.
Như vậy, nhân viên đó sẽ nỗ lực để làm việc tốt nhất . Áp dụng triệt để chính sách này, công ty không cần có qui tắc cụ thể đối với từng nhân viên, mà lại nuôi dưỡng được đạo đức cá nhân cũng như đạo đức doanh nghiệp.
Các nhà quản lý hay lãnh đạo công ty cũng không nên khen ngợi hay khiển trách nhân viên bằng lời quá nhiều. Người lãnh đạo khôn ngoan sẽ nói rằng, nhân viên đó đã làm việc rất chăm chỉ, hay mức lương chưa tương xứng với nỗ lực của anh, song đó là mức lương cao nhất dành cho vị trí hiện tại, vì vậy anh ta sẽ được xem xét để cất nhắc lên vị trí cao hơn ngay khi cơ hội mở ra và khi anh ta chứng tỏ được năng lực của mình. Việc tăng lương hay thăng chức cho các cá nhân nên được các lãnh đạo công ty chủ động quyết định, chứ không nên đợi nhân viên yêu cầu. Mặc dù việc một nhân viên yêu cầu tăng lương có thể là hoàn toàn chính đáng, nhưng theo kinh nghiệm quản lý, những người quản lý nên sớm phát hiện ra các nhân viên đang làm nhiều hơn mức lương họ nhận được và thưởng cho họ vì điều đó.
Tất cả những khoản ngoài lương như phần thưởng, quà tặng hay tiền thưởng đều không nên đưa vào hệ thống quản lý nhân viên được đề xuất ở trên, vì làm như thế không khác nào coi thường họ. Những khoản tiền thưởng kiểu này – về bản chất chính là sự mua chuộc hay hối lộ – ngụ ý rằng vẫn họ chưa làm hết sức mình. Việc trao thưởng cho những nỗ lực đặc biệt có thể khuyến khích nhân viên ở một số tổ chức, nhưng sẽ không đạt hiệu quả mong muốn trong các tổ chức mà nhân viên có quyền tự chủ cao như mô hình đề xuất tại đây.
Biện pháp quản lý nhân sự này đạt được tất cả những kết quả thường thấy trong các hệ thống phát triển nhất, nhờ có mối liên quan hữu cơ với quá trình tuyển chọn, đào tạo và gìn giữ nhân viên có trình độ cao. Nó giúp người lãnh đạo công ty chọn đúng người cho đúng công việc và giao đúng việc cho đúng người, đồng thời khuyến khích nhân viên thể hiện mình tốt hơn, thực thi công việc tốt hơn, kết quả là khiến họ trung thành với công ty hơn. Có thể nói, đây là một phương pháp “dùng người” khôn khéo và phù hợp nhất đối với giới lãnh đạo trong các doanh nghiệp hiện đại.

Kinh nghiệm quản lý nhân viên trong kinh doanh

Bàn về kinh nghiệm quản lý nhân viên trong kinh doanh, trên Harvard Business Publishing, Melissa Raffoni – giảng viên ại trường Sloan School thuộc MIT và tại trường Kennedy thuộc Harvard – người đã làm việc trực tiếp với hơn 100 CEO với tư cách Chủ tịch Công ty tư vấn CEO Raffoni trong suốt thập niên qua đã chỉa sẻ những kinh nghiệm quý báu giúp “các nhà điều hành luôn đi đúng hướng “. Sau đây là trích dẫn những nội dung quý báu của bài viết.

“Tôi luôn nhắc các CEO tâm huyết và khôn ngoan mà tôi làm việc cùng rằng lãnh đạo là một công việc đòi hỏi thời gian và công sức. Dẫn dắt cảm xúc, thái độ, hoạt động và hành xử của một đội ngũ không phải là việc nhỏ. Tôi cũng thường hay nghe được những chia sẻ thầm kín của nhân việc các CEO này, về những điều làm họ bực mình và những điều họ quý mến ở ông chủ. Để giúp các nhà điều hành luôn đi đúng đường, tôi liệt kê một danh sách những điều nhân viên muốn lãnh đạo làm.

1. Cho tôi biết vai trò của tôi, cho tôi biết phải làm gì, cho tôi biết quy định.


Quản lý quá tiểu tiết? Không nên. Nhưng cần cho họ biết các tham số để họ làm việc hiệu quả trong khuôn khổ bạn mong muốn.

2. Có kỷ luật với những nhân việc làm không tốt và ngược lại

Hết lần này đến lần khác, tôi nghe thấy người ta nói, “tôi mong ông chủ nói với anh/cô đó rằng làm thế là không chấp nhận được”. Phải có cách công bằng để mọi người nhận thức được trách nhiệm của họ, nhưng cũng phải làm rõ với tất cả về những gì chấp nhận được và không chấp nhận được. Bên cạnh đó, phải có chính sách khen thương rõ ràng đối với Nhân viên làm việc tốt và thực hiện chính sách này chặt chẽ

3. Hãy làm cho tôi hứng khởi.


Về công ty, về sản phẩm, về công việc, về dự án. Hãy cứ làm cho nhân viên của bạn hứng khởi.

4. Đừng quên ca ngợi tôi.


Tạo động lực cho nhân viên bằng cách thúc đẩy các thế mạnh của họ, chứ không phải đay nghiến điểm yếu của họ.

5. Đừng doạ dẫm tôi.


Nhân viên không cần phải biết hết những điều đang khiến bạn lo lắng. Họ tôn trọng việc bạn tin tưởng họ, những bạn là ông chủ. Và đừng mất bình tĩnh trong các cuộc họp vì nhân viên không được như kỳ vọng của bạn. Đó là chuyện bình thường mà, thực tế bao giờ cũng cách xa kỳ vọng. Nhưng sự công bằng và kiên định luôn là trụ cột.

6. Hãy gấy ấn tượng với tôi.


Những lãnh đạo mạnh mẽ luôn biết cách gây ấn tượng với nhân viên. Một số thì có phong cách quản lý gương mẫu, người khác thì dũng cảm và táo bạo, người thì lại sáng tạo và khôn ngoan. Các lãnh đạo mạnh mẽ đem đến sức mạnh cho tổ chức bằng cách thể hiện cá tính mà không ai có nhưng công ty rất cần.

7. Cho tôi quyền tự quản.


Hãy để họ làm những việc thú vị, cho họ cơ hội và đặt lòng tin vào họ.

8. Giúp tôi sẵn sàng chiến thắng.


Không ai muốn thất bại. Những lãnh đạo do dự sẽ đặt nhân viên nhầm chỗ, đưa ra những mục tiêu thiếu thực tế, mắc kẹt với những nhân viên kém năng xuất, hay thay đổi định hướng một cách thiếu công bằng, họ chỉ khiến cho mọi người chán nản và cảm thấy mình thất bại.
Việc của bạn là tạo điều kiện cho mọi người thành công. Nếu bạn làm được vậy, tất cả sẽ cùng có lợi.

Chiến lược bán hàng trong suy thoái: Cần chất hơn lượng

Chất lượng của đội ngũ bán hàng chính là yếu tố quyết định những con số mơ ước cho doanh thu trong suy thoái, chứ không phải số lượng nhân viên bán hàng, hay số giờ làm việc, số cuộc gọi...


“Closing ratio”

Theo SalesOpedia, có ba cách để tăng doanh số trong khủng hoảng kinh tế nhưng chỉ có một cách được cho là hiệu quả nhất. Một là tăng giờ làm việc và khối lượng công việc (Workload) cho nhân viên bán hàng.

Ví dụ: thay vì thực hiện 20 cuộc gọi mỗi ngày, giờ họ sẽ phải gọi 35 cuộc. Hai là tăng lợi nhuận trên mỗi đơn hàng (Dollars per sale), bằng cách tăng giá bán hoặc giảm chi phí sản xuất. Và ba là tăng tỷ lệ chốt đơn hàng (Closing ratio) của nhân viên bán hàng.

Thực tế cho thấy, cách thứ nhất gây áp lực rất lớn lên nhân viên bán hàng khiến nhiều người chỉ “chạy” cho đủ KPI mà không đầu tư theo đuổi những khách hàng tiềm năng nhất. Sự căng thẳng của phòng sale cũng khiến nhiều nhân viên nghỉ việc, một số không đủ năng lực bị sa thải, và doanh nghiệp phải liên tục tuyển người mới.

Cách thứ hai – tăng giá hoặc giảm chi phí cũng gặp phải vấn đề: giá cao làm khách hàng mua ít hơn, còn chi phí thấp hơn đôi khi làm giảm chất lượng sản phẩm. Chỉ có cách thứ ba, nếu thành công, sẽ mang lại hiệu quả lâu dài. Vậy làm thế nào để tăng “closing ratio”?

Hai lời khuyên để tăng “chất”

Dan Seidman, tác giả sách bán chạy nhất tại Mỹ “Sales Autopsy”, đưa ra hai lời khuyên đơn giản để tăng tỷ lệ chốt thành công đơn hàng: Sử dụng kỹ thuật mới và xác định đúng đối tượng.

Đội ngũ bán hàng cần thường xuyên cập nhật những kỹ thuật, chiêu thức mới đang có hiệu quả cao đối với khách hàng từ báo chí, internet, các khóa học... thậm chí là tìm hiểu cách làm của các đối thủ cạnh tranh.

Mỗi khách hàng tiếp xúc với rất nhiều thông điệp quảng cáo và lời chào hàng mỗi ngày, cách tiếp cận và thuyết phục của bạn có gì khác biệt để sản phẩm của mình được chọn?

Nếu nhân viên bán hàng sử dụng liên tục những “bài tủ” được quản lý “gà” sẵn, khách hàng sẽ mau nhàm chán, đoán được ý đồ và có cảm giác đang bị thúc ép quá mức. Đa dạng hóa kỹ thuật bán hàng, áp dụng những chiêu thức mới nhất sẽ giúp đội ngũ bán hàng mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn.

Tuy nhiên, nhân viên bán hàng cần “xuất chiêu” đúng thời điểm khi sử dụng các chiêu thức mới, thường là các bí quyết liên quan đến tạo nhu cầu cấp bách và thuyết phục mua ngay. Một bước tối quan trọng để có quy trình bán hàng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay chính là việc xác định đúng đối tượng (qualifying).

Thay vì bắt nhân viên phải tiếp xúc với nhiều khách hàng hơn mỗi ngày, hãy khuyến khích họ sớm xác định xem đối tượng có phải là khách hàng thực sự tiềm năng không, bao gồm xác nhận xem họ có thực sự gặp phải những vấn đề mà sản phẩm của công ty sẽ mang đến giải pháp; họ có phải là người có thể ra quyết định mua hàng hay không, có thể mua ngay không...

Làm được bước này sẽ, nhân viên bán hàng sẽ tiết kiệm được thời gian vì có thể ngừng theo đuổi những đối tượng thiếu triển vọng và tập trung đầu tư cho những khách hàng mục tiêu nhiều triển vọng hơn. Dan Seidman tóm gọn trong một câu: “Đừng theo đuổi những mối kém triển vọng”.

Khi nhân viên bán hàng thường xuyên được đào tạo thêm để nâng cao kỹ năng, khuyến khích chấp nhận thay đổi để phát triển năng lực, “chất” của đội ngũ bán hàng sẽ mang đến “lượng” cho doanh số.
Nguồn doanhnhansaigon.vn

Giúp nhân viên trong doanh nghiệp xác định mục tiêu

Doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu kinh doanh hay không, câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố như việc thành lập, triển khai kế hoạch , quá trình thực hiện,… Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là việc giúp cho nhân viên trong công ty nhận thức và xác định rõ mục tiêu của doanh nghiệp. Xác định mục tiêu cho nhân viên là một công việc quan trọng và cần thiết trong quản trị nguồn nhân lực, nhằm định hướng chonhân viên đi theo đúng mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp đồng thời khai thác có hiệu quả những nỗ lực của họ, giúp họ có động cơ khi làm việc.Đừng nên đặt ra những mục tiêu chung chung và mơ hồ như “Hãy làm việc tốt hơn” bởi sẽ khiến cho nhân viên không biết cần phải làm điều gì. Hãy xây dựng các mục tiêu rõ ràng và có thể định lượng được như “tăng thời gian trả lời các cuộc gọi của khách hàng 30% hoặc “giảm số lời than phiền của khách hàng xuống còn một nửa.
Ngoài ra, các mục tiêu đã được xác lập còn là những cơ sở để đánh giá và khen thưởng cho nhân viên. Các mục tiêu đưa ra cần phải cụ thể rõ ràng, có thể hiểu được và có khả năng thực hiện được. Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia quản trị trong việc xây dựng mục tiêu cho nhân viên. Các biện pháp xây dựng mục tiêu cho nhân viên
Xây dựng mục tiêu với nhân viên

Các nhân viên thường là những người hiểu rõ nhất những mục tiêu cụ thể nào có thể đem lại hiệu quả chung cho công việc như tăng năng suất, doanh số, lợi nhuận. Họ cũng chính là người hiểu được mình có khẳ năng đạt được mục tiêu đó hay không. Vì vậy trong quá trình xây dựng mục tiêu cho nhân viên, bạn cần phải bàn bạc, tham khảo ý kiến của họ. Có như vậy, họ mới sẵn sàng thực hiện mục tiêu đã được đề ra, không cảm thấy bị áp đặt làm việc có hiệu quả nhất.
Thường xuyên đánh giá lại các mục tiêu

Tối thiểu, bạn nên làm công việc này một lần vào giữa năm để đảm bảo rằng các mục tiêu đặt ra ban đầu vẫn còn có nghĩa và các nhân viên vẫn đang bám sát các mục tiêu đó trong quá trình làm việc.
Làm cho các mục tiêu rõ ràng và có thể đánh giá được

Đừng nên đặt ra những mục tiêu chung chung và mơ hồ như “Hãy làm việc tốt hơn” bởi sẽ khiến cho nhân viên không biết cần phải làm điều gì. Hãy xây dựng các mục tiêu rõ ràng và có thể định lượng được như “tăng thời gian trả lời các cuộc gọi của khách hàng 30% hoặc “giảm số lời than phiền của khách hàng xuống còn một nửa. Các mục tiêu không nhất thiết phải gắn liền với doanh số hay lợi nhuận Đừng nên nghĩ rằng cần phải gắn việc khen thưởng với việc tăng doanh số hay lợi nhuận. Bởi vì, những mục tiêu này chưa hẳn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong một năm nào đó, mà ưu tiên đó có thể là cắt giảm chi phí và nâng cao tính cạnh tranh.
Bảo đảm rằng các mục tiêu có thể thực hiện được

Nhiều người có khuynh hướng đưa ra những mục tiêu quá cao cho nhân viên. Điều này sẽ gây cho họ tâm lý chán nản và mất đi động cơ làm việc. Ở cương vị là một giám đốc, nhiêm vụ của bạn là phải đảm bảo các mục tiêu đưa ra cho nhân viên mang tính thực tế và có thể thực hiện được.

Phải nhất quán

Đừng nên xây dựng các mục tiêu khác nhau cho những nhân viên có cùng trách nhiệm. Điều này sẽ làm cho nhân viên có tâm lý oán trách và bạn cũng sẽ bị “buộc tội” phân biệt đối xử.
Chú ý đến thời gian

Đa số các doanh nghiệp đều xác lập mục tiêu cho nhân viên vào đầu năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có thể làm điều này trước một mùa kinh doanh nào đó hoặc vào buổi họp thường niên của công ty. Dù là cách nào, việc xác định mục tiêu cho nhân viên và việc đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu đã được đặt ra nên được tiến hành cách nhau một năm và cùng một thời điểm. Như vậy, bạn mới có thể dễ dàng so sánh thành tích giữa các nhân viên một cách khách quan.
Tránh tạo ra sự ganh đua giữa các nhân viên

Bạn có thể tạo ra động cơ để các nhân viên chạy đua với các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp nhưng không nên đặt ra những mục tiêu khiến cho họ ganh đua lẫn nhau. Thay vào đó, nên hướng nhân viên đến việc thực hiện một mục tiêu cụ thể nào đó trong một thời gian nhất định và khen thưởng họ khi đạt được điều đó.
Các mục tiêu phải gắn kết nhân viên với sự thành công của doanh nghiệp

Một trong những cách mà bạn có thể làm là gắn lợi ích tài chính của nhân viên với các mục tiêu tài chính của nhân viên với các mục tiêu tài chính chung của doanh nghiệp. Điều này sẽ kích thích tinh thần làm việc đồng bộ bởi vì các nhân viên cảm thấy rằng họ có liên quan, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Trường hợp của Levis Strauss là một ví dụ: năm 2001 công ty này đã xác định các mục tiêu tài chính cho toàn công ty và nếu đạt được các mục tiêu đó, mỗi nhân viên của công ty sẽ nhận được một món tiền thưởng bằng tiền lương của cả năm

Để lời chào hàng lôi cuốn người xem

Giới tiêu dùng ngày nay luôn tỏ ra có khả năng mua sắm khôn ngoan. Họ thường tìm hiểu kỹ mọi thông tin trước khi bỏ ra những đồng tiền vốn khó kiếm được của mình.


Trước khi quyết định mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ, họ luôn muốn biết vì sao doanh nghiệp này lại vượt trội hơn so với các doanh nghiệp khác.Vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ tuyệt hảo, doanh nghiệp phải tìm cách lôi cuốn, hấp dẫn người tiêu dùng bằng những lời chào hàng thông minh. Dưới đây là vài hướng dẫn cụ thể.

1. Nêu bật những lợi ích. Bạn có thể kể cho khách hàng nghe mọi thứ tuyệt hảo nhất mà sản phẩm của bạn mang đến cho họ cũng như hàng loạt các tính năng bổ trợ khác, song điều họ thật sự muốn biết chính là những sản phẩm ấy sẽ giúp cải thiện cuộc sống của họ tốt đẹp hơn như thế nào, liệu nó có giúp công việc trở nên dễ dàng hơn không, có cho phép họ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình không… Vì vậy, hãy cố gắng cho họ biếtrõ các lợi ích cốt lõi của sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn đang tìm khách hàng.

2. Có được dòng tiêu đề đầy sức hấp dẫn. Khi thấy mẫu quảng cáo hay bất cứ lời giới thiệu nào về sản phẩm hay dịch vụ, khán giả thường có khuynh hướng lướt qua những dòng văn đầu tiên.Do đó, dòng tiêu đề của bạn phải làm sao chiếm trọn được sự chú ý của họ và lôi cuốn họ đọc nhiều hơn, lâu hơn. Hãy sử dụng các lợi ích nêu bật ngay trong dòng tiêu đề.

3. Tránh dùng nhiều thuật ngữ. Nếu bạn sử dụng quá nhiều những ký tự viết tắt hay các cụm từ riêng mang tính chuyên sâu trong văn phong quảng cáo, có thể bạn sẽ tạo nên cảm giác xa lạ đối với các khách hàng tiềm năng vì họ bị rối trí. Do đó, hãy viết sao cho mọi độc giả đều dễ dàng hiểu trọn thông điệp quảng cáo.

4. Sử dụng những lời nhận xét uy tín. Những trích đoạn đáng tin cậy từ các khách hàng thân thiết và yêu mến doanh nghiệp sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm thêm khách hàng mới. Mọi người đều muốn hợp tác với doanh nghiệp có uy tín cao trên thị trường.

5. Cá nhân hóa. Hãy đàm thoại trực tiếp với các độc giả. Sử dụng các từ ngữ “bạn”, “của bạn” thay vì “quý khách” hay “khách hàng” nhằm tạo sự thân thiện để lôi kéo người đọc trong lời chào hàng.

6. Mời gọi người đọc hành động. Đừng bao giờ buộc người đọc thông tin phải tìm kiếm địa chỉ liên hệ của bạn. Nhất thiết phải đính kèm địa chỉ email và số điện thoại trong mọi lời kêu gọi hành động.

7. Ngôn từ quảng cáo trên website. Văn phong bạn viết trên brochure quảng cáo hay thư giới thiệu sản phẩm có thể sẽ được định dạng rất khác so với dòng chào hàng sử dụng trên website.Hãy lưu ý một số yếu tố đặc trưng khi viết nội dung quảng cáo trên website sau đây:
- Sử dụng đúng các cụm từ khóa. Nên tìm hiểu xem đâu là những cụm từ khóa hay các từ ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của bạn được mọi người tìm kiếm nhiều nhất trên website. Đính kèm các cụm từ ấy vào dòng quảng cáo sẽ giúp bạn đến với các khách hàng mới.
- Viết các đoạn văn ngắn. Hãy ngắt những bài viết dài thành nhiều đoạn nhỏ nhằm giúp văn bản trực tuyến dễ đọc hơn với độc giả. Nếu đoạn văn trông quá lê thê, dài dằng dặc và gây cảm giác khó có thể đọc hết thì hẳn nhiên, mọi người sẽ nhấp chuột sang trang khác.
- Sử dụng các đề mục nhỏ. Các đầu đề nhỏ sẽ giúp khách hàng tương lai dễ dàng nhấp chuột lướt qua toàn bộ bài viết và dừng ngay tại những phần nào lôi cuốn họ nhiều nhất.
Theo doanhnhansaigon

Kỹ năng cần có của nhân viên bán hàng

Tìm kiếm, biết lắng nghe và giao tiếp tốt - đó là những kỹ năng không thể thiếu nếu bạn muốn thử sức với nghề sales. Ngoài ra, sự đam mê, tính trung thực và giỏi chịu đựng cũng là những yếu tố đem lại thành công.



Kỹ năng giao tiếp:Kỹ năng giao tiếp là nhân tố quan trọng, cần thiết cho nghề này vì giao tiếp tốt sẽ tạo cho bạn có mối quan hệ tốt với khách hàng. Phát triển và duy trì mối quan hệ bền vững với khách hàng sẽ giúp bạn có niềm tin nơi khách hàng và việc bán hàng sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Kỹ năng lắng nghe:Kỹ năng này nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là thành phần quan trọng tạo nên quan hệ tốt đẹp giữa người bán hàng và khách hàng. Bởi vì để biết được mong muốn của khách hàng để chỉ tập trung vào những nhu cầu đó thì bạn phải là người “lắng nghe” giỏi và nhận biết nhanh. Từ đó bạn mới có thể nhận được sự quan tâm từ phía khách hàng.Đoán biết được nhu cầu của khách hàng:Nếu bạn biết được tâm lý và nhu cầu của khách hàng thì bạn sẽ có thể giới thiệu ra những sản phẩm làm vừa lòng họ. Ngược lại, công việc của bạn sẽ không đạt kết quả gì nếu bạn không “đánh trúng” vào tâm lý của khách hàng. Ngoài khả năng nghe những yêu cầu của khách bạn cần phân tích những thông tin của khách hàng và phán đoán theo nhiều chiều hướng để hiểu được tâm lý của họ. Có triển vọng trong nghề này hay không phụ thuộc rất nhiều vào óc phán đoán của bạn.

Xoay chuyển tình thế:Tuy nhiên, nếu bạn đã đưa ra đề nghị không hợp với ý khách hàng thì bạn không nên dừng lại, tiếp tục nói về sản phẩm đã đưa ra là lựa chọn của một nhân viên giỏi. Hãy giới thiệu những tính năng và thông tin cơ bản về sản phẩm cho khách hàng nhưng không đề cập đến việc mời họ ký hợp đồng mua bán. Khi bạn hoàn thành xong phần trình bày hãy đợi ý kiến từ phía khách hàng là cách tốt nhất.

Giới thiệu sản phẩm với phong cách tự tin:Một phong cách tự tin trong giao tiếp sẽ quyết định bạn thành công hay không. Ví dụ, nếu khách hàng có những câu hỏi như “Sản phẩm hãng bạn đang bán có gì vượt trội hơn so với sản phẩm của các hãng khác?”. Một câu trả lời hoàn hảo là cách nói tự tin và rõ ràng, sau đó đưa ra những tính năng của sản phẩm hướng vào nhu cầu của khách khi mua loại sản phẩm đó.

Giao tiếp qua điện thoại: Chuyện nhỏ nhưng… hay quên!

Theo khảo sát của thì đến gần 90% người sử dụng điện thoại quên "màn" chào, hỏi, xin lỗi, cám ơn... mà thường là "ai đấy", "có việc gì", "gặp ai"...

Theo tạp chí New York Times, có trên 80% các công ty, doanh nghiệp thương mại ở Mỹ đều khuyến khích nhân viên tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp điện thoại.

Đã đến lúc mọi người phải có ý thức rèn luyện kỹ năng giao tiếp điện thoại; các doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa giao tiếp điện thoại - trong đó trang bị các kỹ năng đàm phán, thuyết phục, xử lý tình huống trong giao tiếp điện thoại với khách hàng để những khách hàng khó tính nhất cũng phải hài lòng, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh và nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp.

Các chuyên gia đề nghị khi giao tiếp qua điện thoại, bạn nên bắt đầu với câu: "Công ty... (hoặc tên người) xin nghe. Xin lỗi, ông (bà) muốn gặp ai ạ?" và câu kết thúc: "Xin cám ơn. Chúc ông (bà) khỏe. Hẹn gặp lại!". Chuyện đơn giản này nhưng không phải ai cũng làm được!

Một kế hoạch bán hàng thành công

Bạn có biết một kế hoạch bán hàng thành công nên bao gồm những yếu tố nào không? Những câu hỏi xung quanh việc "Ai, ở đâu, tại sao, khi nào và như thế nào?" có từng xuất hiện mỗi khi bạn nghĩ đến các biện pháp tăng doanh số bán hàng của công ty bạn không? Sau đây là một vài điều bạn cần lưu ý trước khi chuẩn bị một kế hoạch bán hàng.


Xác định kế hoạch bán hàng

Kế hoạch bán hàng nên ngắn gọn, đơn giản và có trọng điểm. Về cơ bản, kế hoạch bán hàng cần khôn khéo và thể hiện tính chiến lược nhằm thu hút các khách hàng mới. Thông thường, tỷ lệ phối hợp lý tưởng nhất sẽ là 75% doanh số bán hàng từ những khách hàng mới và 25% doanh số bán hàng từ những khách hàng hiện tại.

Một kế hoạch bán hàng bao gồm bốn bộ phận cơ bản:

- Các chiến lược thu hút khách hàng mới.

- Các phương pháp thu hút khách hàng mới.

- Các chiến lược tăng trưởng kinh doanh đối với những khách hàng hiện tại.

- Các phương pháp tăng trưởng kinh doanh đối với những khách hàng hiện tại.

Trước khi triển khai chương trình bán hàng, bạn cần nắm vững một số khái niệm sau:

- Doanh số bán hàng chỉ tiêu (Sales quota): Đây là nhân tố rất quan trọng của kế hoạch bán hàng, có vai trò "giữ nhịp" cho hoạt động của bạn trong cả năm, đồng thời đưa ra các mục tiêu phụ hàng quý, hàng tháng, hàng tuần và thậm chí hàng ngày để bạn thực hiện.

- Phạm vi, khu vực bán hàng (Sales territory): Đó là các thông tin liên quan đến khu vực địa lý, danh sách các thị trường cụ thể trong nước hay quốc tế, nơi bạn cung cấp sản phẩm/dịch vụ hay giải pháp kinh doanh.

- Chiến lược (Strategy): Là những kế hoạch và đường hướng cần thiết giúp bạn hoàn thành mục tiêu đề ra.

- Phương pháp hay chiến thuật (Tactic): Đây là những công việc cụ thể, những bước đi cần thiết của bạn khi thực thi kế hoạch bán hàng.


Các chiến lược và phương pháp thu hút khách hàng mới

1. Vượt chỉ tiêu hạn mức đề ra mỗi tuần:

- Gửi không dưới 50 thư chào hàng giới thiệu sản phẩm/dịch vụ tới các khách hàng mới.

- Gọi không dưới 50 cuộc điện thoại để giới thiệu về sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng mới.

- Gặp gỡ trực tiếp với không dưới 20 khách hàng mới.

- Tạo ra không dưới 10 đề xuất bán hàng.

- Tiến hành không dưới 5 buổi giới thiệu sản phẩm/dịch vụ.

Chú ý: Số lượng thư chào hàng, cuộc điện thoại… có thể thay đổi, điều quan trọng là bạn cần tính toán chính xác rằng bạn cần thiết lập quan hệ với bao nhiêu khách hàng để có thể đạt được chỉ tiêu về doanh số của bạn.

2. Gia tăng sự nhận thức của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ và giải pháp kinh doanh của bạn:

- Gia nhập và tham dự vào không dưới 3 hiệp hội nhà nghề hay các tổ chức mà những khách hàng hiện tại và tiềm năng của bạn thường tham gia.

- Tích cực tham dự các hội chợ thương mại và hội thảo có sự góp mặt của khách hàng.

- Mua danh sách địa chỉ của các hiệp hội, tổ chức và gửi thiệp mừng hay thư chào hàng giới thiệu theo những địa chỉ này.

- Nói chung cần tham gia tối đa vào các sự kiện xã hội, xuất hiện trên báo chí… để thu hút sự chú ý và quan tâm của mọi người.

3. Gia tăng sự nhận thức của cộng đồng về sản phẩm/dịch vụ và giải pháp kinh doanh của bạn:

- Tham sự vào tất cả các sự kiện do phòng thương mại và công nghiệp địa phương tổ chức.

- Chủ động tiếp xúc với ít nhất 12 tổ chức khác nhau trong địa phương có mối quan tâm tới sản phẩm/dịch vụ và giải pháp kinh doanh của bạn.

- Dành thời gian và một phần ngân sách nhất định của bạn cho ít nhất 3 tổ chức phi lợi nhuận.

- Gia nhập vào không dưới 3 liên hiệp khác nhau, chẳng hạn như Le Tip hay Business Networking International.

4. Thu thập lời giới thiệu từ các khách hàng mới:

- Trong vòng 30 ngày sau khi cung cấp sản phẩm/dịch vụ hay giải pháp kinh doanh, bạn nên đề nghị mỗi khách hàng mới cho bạn biết ít nhất 3 cái tên và số điện thoại của những người mà họ biết rằng có thể sẽ sử dụng sản phẩm/dịch vụ và giải pháp kinh doanh của bạn.


Các chiến lược và phương pháp đối với những khách hàng hiện tại

1. Tạo ra một chương trình liên lạc thường xuyên:

- Liên hệ với từng khách hàng hiện tại ít nhất 1 lần/tháng, đưa ra những để nghị mới mà họ không thể nhận được từ bất kỳ ai khác.

- Xây dựng các bản tin hàng tháng thật hấp dẫn.

- Xây dựng các nhóm sử dụng (user-group) trong cơ sở dữ liệu khách hàng hiện tại của bạn.

- Tổ chức các buổi tranh luận trực tuyến hay ngoại tuyến cho các khách hàng hiện tại.

- Mời ít nhất 3 khách hàng hiện tại của bạn đi ăn trưa và mời một khách hàng mới cùng tham gia.

2. Điều tra, thăm dò trong số các khách hàng hiện tại:

- Xin phép đến thăm không dưới 3 nhà khách hàng để tìm hiểu, thăm dò ý kiến về sản phẩm/dịch vụ mà họ đang sử dụng.

- Đề nghị mỗi một khách hàng hiện tại giới thiệu về bạn tới những người quen biết của họ.

- Gặp gỡ, với tư cách cá nhân, các nhà quản lý cấp cao của công ty nơi khách hàng hiện tại của bạn đang làm việc.


Bây giờ đã đến lúc bắt tay vào thực hiện chương trình

Phần cuối cùng của kế hoạch bán hàng phải là các chi tiết về giới hạn thời gian hoàn thành từng chiến thuật mà bạn đã đề ra trên đây. Tốt nhất là bạn nên sắp xếp lịch trình thời gian theo tuần để việc thực hiện và kiểm tra được dễ dàng hơn.

Nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc, dù bạn đã xây dựng xong cho mình kế hoạch bán hàng. Hãy đảm bảo kế hoạch của bạn luôn được thực thi đúng lịch trình, đồng thời thường xuyên xem xét và điều chỉnh nội dung cho phù hợp với thực tế. Làm được như vậy, bạn mới có thể hoàn thành tốt kế hoạch bán hàng đã đề ra, hay đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội hoàn thành mục tiêu doanh số bán hàng của mình.

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Bức tranh và những lời phê bình

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi. Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp.

Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.

Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:

- "Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi."

Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:

- "Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó."

Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.

Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X.

Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút vẽ ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.

Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:

- "Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả.

Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não.

Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết - những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn.

Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình.

Và tất nhiên, con cũng nên nhớ đừng bao giờ đánh giá người khác một cách cẩu thả."

Nghĩ về suy nghĩ

Nghĩ về những điều mình đang có thì sẽ thấy mình đang có tất cả
Nghĩ về điều mình chưa có thì sẽ thấy mình chưa có gì cả

Nghĩ về những điều mình đã mất thì sẽ thấy mình đã mất tất cả
Nghĩ về những điều mình chưa mất thì sẽ thấy mình còn rất nhiều

Nghĩ về những điều bất hạnh thì sẽ thấy cuộc đời mình thật bất hạnh
Nghĩ về những điều hạnh phúc thì sẽ thấy cuộc đời mình thật hạnh phúc

Nghĩ về những điều mình muốn có sẽ làm cho mình quên đi những điều mình đang có
Nghĩ về những điều có thể sẽ mất sẽ thấy nâng niu, quý trọng những gì mình đang có

Nghĩ về những điều mình không hài lòng sẽ thấy bực bội trong lòng
Nghĩ về những điều mình cần phải biết ơn sẽ thấy tràn ngập lòng biết ơn trong lòng

Nói thì dễ nhưng để nghĩ được như vậy khá khó. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Điều quan trọng là mình có muốn nghĩ như vậy hay không.

Tất cả đều nằm trong chính suy nghĩ của bản thân. Ta lựa chọn suy nghĩ, suy nghĩ đó dẫn ta đến hành động, hành động đó dẫn đến ta đến hạnh phúc hay đau khổ cho cuộc đời mình.

Như vậy hạnh phúc hay đau khổ, hài lòng hay không hài lòng, tất cả đều do chính suy nghĩ và sự lựa chọn của bản thân mà ra.

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Kiến tạo giá trị bản thân

kien tao gia tri ba than 300x225 Kiến tạo giá trị bản thân Nhìn những người thành công, lịch lãm có bao giờ bạn thấy chạnh lòng khi nhìn lại bản thân mình? Dẫu biết rằng chúng ta ai cũng có giá trị riêng của mình, nhưng có những người có uy tín hơn, giá trị hơn trong mắt người khác! Bạn có biết để có được điều đó họ đã bỏ ra không ít mồ hôi và công sức không? Bạn cũng có thể có được điều đó nếu kiến tạo cho mình một giá trị bền vững cho bản thân!
Để giá trị bản thân được kiến tạo trong lòng người khác không đơn giản chút nào đâu bạn! Phải có sự thừa nhận của họ thì giá trị của bạn mới bền vững được! có bao nhiêu người tự khoe khoang, tự khuếch trương bản thân mà được người khác thừa nhận chưa? Nếu bạn không biết rằng, chính bạn phải tự mang lại giá trị cho mình, và giá trị đó phải là giá trị thực sự thì bạn mới có thể định vị được vị trí của mình trong lòng người khác!
Để làm được điều này bạn cần Giữ lửa cho sự đam mê, thông thường những ai có thể theo đuổi được niềm đam mê của mình họ luôn tạo được sự khác biệt với người khác. Cũng từ đó họ tạo nên những giá trị riêng của bản thân không lẫn với bất kỳ người nào!
Tiếp theo Dồn tình yêu vào việc mình làm khi làm được điều này bạn sẽ có nguồn cảm hứng bất tận để làm việc và chinh phục những thử thách! Yêu công việc của mình, yêu những gì đã đạt được bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn và thoải mái hơn với cuộc sống của mình!
Hành động chứ không bị động đón nhận những việc sẽ diễn ra với mình, luôn trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị cho những khóc khăn sẽ đến với mình! Bạn có bao giờ nhận ra, khi chúng ta luôn đón nhận những khó khăn với thái độ chủ động bạn sẽ không bị chúng nuốt trọn và dễ dàng vượt qua nó! Đừng để bản thân mình bị những khó khăn quật ngã và hãy hành động để giải quyết những khó khăn của bạn! Khi có được điều này bạn sẽ trở nên vô cùng đáng giá với người khác! Vì bạn có thể vượt qua mọi khó khăn trong đời, điều mà không phải ai cũng làm được
Sống lạc quan yêu đời chúng ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và ấm áp bên những người mình yêu thương! Bạn sẽ chẳng bao giờ bị những khó khăn đẩy ngã và cuộc sống cũng như công việc của bạn luôn tiến triển thuận lợi! Khi bạn sống lạc quan và nhìn nhận cuộc sống một cách lạc quan bạn sẽ đơn giản hóa những khó khăn và thử thách để chinh phục nó!
Cuối cùng Hoàn thiện bản thân qua từng ngày, chẳng ai là hoàn thiện cả nhưng chúng ta có thể hoàn thiện mình dần qua những nỗ lực và cố gắng đổi thay một cách tích cực! Bạn đừng bao giờ quên đức tính khiêm nhường để ngày càng trở nên tốt hơn trong mắt những người xung quanh! Hoàn thiện bản thân, bạn sẽ được người khác trân trọng vì những cố gắng của mình!
Chúc bạn sẽ kiến tạo nên giá trị của bản thân bằng những hành động thiết thực  nhé! Đừng bao giờ sống giả dối để người khác coi thường và không tôn trọng bạn!

Cái giá cho niềm đam mê

Có một người bạn của mình đã nói rằng: Nếu không có đam mê làm việc gì cũng khó! Cậu ấy học đại học Bách Khoa được 3 năm rồi, năm nay năm cuối nhưng vẫn không tìm được niềm đam mê thực sự trong ngành mà cậu ấy đang học! từ ngày còn bé cậu ấy đã muốn khoác lên mình chiếc áo Blu trắng muốt, nhưng gia đình phản đối, mọi người ngăn cản thế nên cậu ấy không đủ dũng cảm để bước theo tiếng gọi con tim mình!
cai gia cho dam me 300x225 Cái giá cho niềm đam mê Năm tư rồi, cậu vẫn luôn đeo đẳng giấc mơ một ngày nào đó được cầm trên tay con dao mổ, phẫu thuật cho những bệnh nhân hiểm nghèo! Nhưng giấc mơ ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ được thực hiện bởi cái giá phải trả cho niềm đam mê quá lớn! cậu ấy có đủ dũng cảm và quyết tâm để thực hiện niềm đam mê ấy!
Bố mẹ, gia đình và cả 3 năm học đã đi qua, lẽ nào chúng chỉ là con số 0 trước niềm đam mê của mình? Có lúc cùng nhau nói chuyện cậu ấy rất muốn nộp hồ ớ thì lại đại học Y nhưng cuối cùng, do dự, lo sợ và khong dám đánh đổi đã kìm hãm bước chân của cậu ấy trước ước mơ và khát vọng chưa thành! Con người ta, ý nghĩa nhất là làm được những gì mình thích, thực hiện được ước mơ của mình! Còn cậu ấy, có lẽ không bao giờ được tận hưởng cảm giác hạnh phúc đó nếu không dám đánh đổi để sống với đam mê của mình!
Bạn nghĩ có nên không khi bỏ dỡ 3 năm học đại học để bắt đầu một hành trình mới! Và nếu kết thúc 4 năm lấy được tấm bằng tốt nghiệp bạn có bao giờ dám bỏ mặc tấm bằng đó để thi lại một ngành mà bạn thực sự yêu thích!
Tất cả thật khó để quyết định phải không bạn! Bốn năm công sức của cha mẹ và mình bỏ ra, bốn năm với bao vất vả giờ đây chẳng lẽ lại trở thành công cốc! Phải làm thế nào đây để mọi người có thể hiểu và ủng họ con đường của mình? Bố mẹ sẽ chẳng dễ dàng gì chấp nhận để bạn học tiếp 4 năm nữa! Bởi vì họ không đủ sức để nuôi bạn cũng như lo lắng cho bạn! Cầm tấm bằng đại học trên tay lại muốn làm lại từ đầu! Nhiều người sẽ tự hỏi: tại sao?
Nhưng chỉ có bạn mới biết được bạn thực sự muốn gì, cần gì cho cuộc đời của mình! Chỉ có bạn, mới biết được bạn nên làm như thế nào để không bao giờ phải hối tiếc! Người sợ chết không phải là người già yếu bệnh tật mà là người chưa hoàn thành hết những gì họ muốn! Thế nên, bạn có bao giờ tự hỏi: nếu ngày mai là ngày cuối cùng của mình, việc mình  muốn làm nhất là gì? Nếu bạn biết câu trả lời của mình là gì thì bạn hãy sống theo cách đó! Hãy sống theo trái tim bạn mach bảo!
cai gia cho dam me 2 300x227 Cái giá cho niềm đam mê Có thể mất đi 4 năm với bạn có rất nhiều điều đáng tiếc, nhưng hoài phí cuộc đời cho việc mà bạn không thích thì còn đáng tiếc hơn! Không nhất thiết phải học lại từ đầu bạn mới làm được những điều mình thích! Tuy với ngành y có thể bạn sẽ bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh nhưng với những công việc khác bạn có thể vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm của những người xung quanh! Đừng đánh mất ước mơ cũng như đừng để niềm đam mê của bạn vụt tắt! Bất cứ việc gì chúng ta làm nếu không thích, không yêu thì chẳng bao giờ chúng ta có thể làm tốt được! Nhiều người đã hoài phí cuộc đời để làm việc mà họ không muốn làm! Bạn có thấy họ chán nản và mệt mỏi như thế nào không?
Tất nhiên đam mê không phải là yếu tố quyết định đến thành công bởi bên cạnh đam mê còn có rất nhiều những yếu tố khác như tài giỏi, kiến thức, thời thế và nhu cầu! Nhưng nếu không có nó bạn sẽ chẳng bao giờ đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp! Giống như một doanh nhân nếu không yêu thích lĩnh vực kinh doanh liệu họ có thể thành công với công việc của mình hay không. Thế nên khi đứng trước những ngã rẽ cần phải lựa chọn, hãy nghĩ thật kỹ về những điều bạn có thể làm được, những việc bạn muốn làm rồi hãy quyết định! Một khi đã quyết định làm gì, đi theo con đường nào thì hãy kiên trì và giữ vững lập trường của mình! Đừng bao giờ để mình và những người xung quanh phải hối tiếc vì quãng đường mà bạn đã đi!
Tất cả chúng ta đều có niềm đam mê của riêng mình, có người thực hiện được có người không? Điều có thể thấy được qua cuộc sống của từng người đó chính là mức độ thỏa mãn về cuộc sống và công việc như thế nào sẽ quyết định mức độ hạnh phúc của họ! Đam mê là yếu tố đầu tiên quyết định việc bạn có yêu công việc của mình hay không!

Hãy coi trọng và yêu những việc bạn làm

Bạn đang làm gì? Đi học hay đi làm? Chúng ta thường có một thái độ không đúng đắn khi đối mặt với những công việc mình phải làm và cố gắng làm bằng được! Có khi chúng ta làm vì trách nhiệm, có khi chúng ta làm vì những người xung quanh muốn thế và cũng có thể là bản thân bạn muốn mình làm việc đó! Nhưng có lúc nào đó bạn nghĩ rằng, bất cứ việc gì bạn làm bạn cũng phải yêu quý nó hết lòng!
hay yeu cong viec cua ban 300x254 Hãy coi trọng và yêu những việc bạn làm Có nhiều người trong chúng ta không yêu công việc của mình, không phải vì thiếu trách nhiệm với nó mà đơn giản vì họ không thích làm công việc đó! Nhưng vì một lý do nào đó mà họ phải đi theo lựa chọn không phải của mình!
Bạn đã bao giờ gặp một người thực sự yêu thích công việc của mình chưa ?  Chưa từng than chán nản hay mệt mỏi vì nó? Không dễ gì phải không bạn, ngay đến cả những người lựa chọn công việc cho mình nhưng cũng có lúc họ cảm thấy mệt mỏi và chán nản vì công việc của mình!
Đó là những lúc họ cảm thấy mệt mỏi và gánh quá nhiều trách nhiệm! Họ không biết phải làm gì để công việc nhẹ nhàng hơn mà đỡ vất vả hơn! Thế nhưng công việc nào cũng có áp lực và nặng nề cả! Không vì lao động chân tay hay lao động thể chất mà có sự  phân biệt về sự vất vả và nặng nhọc! Chỉ cần họ yêu thích những việc mình làm thì chẳng bao giờ họ cảm thấy mệt mỏi và chán nản vì công việc cả! Vất vả luôn luôn tồn tại trong bất cứ công việc gì, quan trọng là thái độ đối xử với nó ra sao mà thôi!
Bạn không cần phải gồng mình lên để lãnh nhận trách nhiệm nặng nề làm cho mình vui vẻ và cảm thấy yêu thích công việc đâu bạn! Bạn hãy làm những gì mình yêu thích và trân trọng những thành quả do nó tạo ra! Có như vậy, bạn mới thực sự yêu thích công việc của mình! Tốn thời gian đi tìm lý lẽ chẳng bằng thực hành nó bằng cách trân trọng những thành quả công việc cho dù là nhỏ nhất!
Có bao giờ bạn mua một món quà nhân dịp lĩnh lương tháng đầu tiên? Có bao giờ bạn tự chiêu đãi bản thân những món đồ mà bạn thích sau mỗi lần công việc kết thúc thành công? Nếu chưa từng làm những việc đó cho bản thân, bạn khó mà yêu thích công việc của mình một cách thực sự được! Phải biết hưởng thụ thành quả do công việc tạo ra chứ, bạn nhỉ? Một chiếc áo đẹp, một món ăn mà bạn thường ngày không dám ăn bao giờ! Những dịp đặc biệt hãy tự thưởng cho mình để biết rằng mình làm việc không chỉ để kiếm tiền và thỏa mãn sở thích cá nhân, mà còn để hưởng thụ cuộc sống!
Hãy yêu thích công việc và những việc bạn làm, cũng hãy coi trọng nó một cách đúng mực, nhất là những thành quả được tạo nên từ  nó. Bạn sẽ ngày càng cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ hơn, nếu làm được những điều bạn thực sự yêu thích!

Thực đơn cho cuộc sống

Như thế nào là một người thành công? Đơn giản vì người đó thành công trong công việc hay còn phải thành công trong cuộc sống đời thường! Một con người thành công không chỉ đạt được đỉnh cao trong công việc mà còn phải có được hạnh phúc trong cuộc sống, tạo dựng được cái mối quan hệ bạn bè, thân hữu và đồng nghiệp, có sức khỏe và đời sống tinh thần khỏe mạnh! Để trở thành một người thành công thực sự, bạn cần một thực đơn chuẩn cho cuộc sống của mình! Bạn có thể tìm thấy những gì còn thiếu sót để hoàn thiện bản thân mình hơn!
thuc don cho cuoc song 300x256 Thực đơn cho cuộc sống Bất kỳ ai sinh ra đều mong muốn trở thành một con người thành công, cả về sự nghiệp lẫn tinh thần! Nhưng thực sự, trong số hàng triệu người đi làm có bao nhiêu người thực sự cảm thấy hạnh phúc với công việc và hài lòng với những gì mình có! Bởi suy nghĩ ích kỷ, cầu thị và luôn đòi hỏi từ người khác khiến cho cuộc sống của con người ngày càng trở nên tồi tệ! Nếu biết hài lòng và cân bằng cuộc sống cho mình, chắc hẳn con người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn! Có một sự thực khá nhiều người không biết, đó cũng chính là lý do dẫn đến cuộc sống của chúng ta không hài lòng như chúng ta mong đợi! Thứ nhất, đó là thiếu hụt kỹ năng sống cơ bản!
Kỹ năng sống  là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày”! Thế nhưng rất nhiều người hiện nay thiếu đi những kỹ năng sống cơ bản như thấu hiểu và cảm thông cho người khác! Không biết cách ứng xử và giao tiếp hiệu quả với người khác!
Chính từ sự thiếu hụt những kỹ năng này khiến cho con người sống với nhau ngày càng mất hết tình nghĩa và cảm tình! Ngay trong một gia đình, thiếu đi sự cảm thông và chia sẻ cũng như san sẻ trách nhiệm cho nhau là nguyên nhân dẫn đến đỗ vỡ! Quan hệ bè bạn cũng như những mối quan hệ khác cần thiết nhất chính là sự chân thành để tạo nền tảng cho nó! Thế nên đừng bao giờ biến mình thành kẻ thất bại trên hành trình làm người!
thuc don cho cuoc song 1 280x300 Thực đơn cho cuộc sống Hãy trang bị cho mình những kỹ năng sống cơ bản để bạn có thể đương đầu và vượt qua những thử thách khó khăn trong cuộc sống! Đừng bao giờ để rời xa bạn vì  bạn không kiềm chế được cơn nóng giận của mình, đừng bao giờ để người khác cười chê bạn vì bạn không biết nấu ăn, giặt đồ và làm những lặt văt khác như thuê thùa may vá, bạn nhé!
Để trở thành một người thành công thực sự, bạn còn phải học kỹ năng mềm một cách bài bản nữa đấy nhé! Bởi vì, kỹ năng mềm quyết định đên 75% thành công của một con người! Kỹ năng “mềm” chủ yếu là những kỹ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng cá tính đặc biệt, chúng quyết định khả năng bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo, thính giả, nhà thương thuyết hay người hòa giải xung đột.
Kỹ năng mềm có được nhờ vào học hỏi, trau dồi kinh nghiệm của bản thân từ người khác, từ những kinh nghiệm và bài học của những người thành công! Bạn có biết vì sao dòng sách dạy thành công lại trở thành best saler trên toàn thế giới không? Bởi vì con người ai ai cũng khao khát thành công và không ai muốn gặt hái phải thất bại trên hành trình làm người của mình!
Thế nhưng để có được những kỹ năng mềm này không chỉ ngày một ngày hai, mà phải trãi qua một thời gian dài tích góp và luyện tập bạn mới có được chúng! Những kỹ năng mềm bạn cần phải có để thành công trong công việc đó là: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng sáng tạo và tư duy logic, bên cạnh đó còn kỹ năng quản lý bản thân và định hướng nghề nghiệp, kỹ năng quản lý thời gian, vượt qua khủng hoảng, đối mới, giao tiếp với đồng nghiệp và kỹ năng tranh luận và kiềm chế cảm xúc! Không đơn giản một chút nào phải không bạn! Nhưng nếu bạn ngại khó, ngại khổ bạn sẽ chẳng bao giờ chạm tay vào thành công được! Thế nên, ngay từ bây giờ hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết bằng cách học hỏi từ người thân, bạn bè, theo học các khóa dạy kỹ năng mềm và tiếp thu kinh nghiệm từ những người đi trước!
thuc don cho cuoc song 2 300x168 Thực đơn cho cuộc sống Một món không kém phần quan trong trong thực đơn cuộc sống đó là những kiến thức chuyên ngành! Dù bạn có kỹ năng mềm giỏi đến đâu nhưng nếu không vững vàng trong kiến thức chuyên ngành bạn cũng khó mà thành công được! Thế nên, hãy học hỏi thật cẩn thận và chăm chỉ trước khi bạn bước vào cuộc sống! Đừng nghĩ rằng, nhà trường không dạy cho bạn những cái hữu ích để bạn bươn chãi với cuộc sống và cạnh tranh với người khác!
Bạn có biết những người thành công không phải là những người giỏi nhất mà là những người học hỏi không ngừng không? Có thể họ không giỏi nhưng bạn nghĩ nhưng họ lại là người thành công hơn cả bạn! Họ không có kỹ năng mềm như bạn nhưng họ lại không kém cạnh bạn trong công việc! Bởi vì họ biết điểm yếu của mình là gì và gia cố nó bằng những kiến thức cần có mà công việc đòi hỏi! Thế nên, đừng bao giờ ngừng học hỏi nếu bạn thật sự muốn thành công!
Giờ thì bạn biết thực đơn cuộc đời cần có những gì rồi phải không? Hãy chế biến nó theo cách của bạn để làm nên một thành quả mà người khác phải trầm trồ thán phục, bạn nhé!

Nhưng chuyến xe cuộc đời

Trong cuộc sống chúng ta lên những chuyến xe khác nhau đi về những bên  khác nhau! Có những lúc chúng ta lựa chọn đúng chuyến xe mình đi nhưng cũng có những lúc chúng ta không ngờ mình đa đón nhầm chuyến và lỡ mất địa điểm mình cần phải bước xuống! Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhẫn nại đi đến bến cuối để bắt đầu lại một hành trình mới! Những lúc này bạn sẽ làm gì?
nhung chuyen xe cuoc doi 300x225 Nhưng chuyến xe cuộc đờiHoảng sợ để xe buýt kéo lê bạn về phía trước rồi loạng choạng xuống nơi mình không hề mong muốn! Hay ngồi yên trên xe tiếp tục chặng hành trình đến chặng cuối để đón chuyến xe mình mong muốn! Thật khó lựa chọn khi mình đi sai đường phải không bạn! Dừng lại ta tự hỏi liệu mình có đón đúng chuyến xe cần phải đi không để rồi có thể đến cái đích cần đến! Nếu ngồi lại, liệu khi đến cuối chặng bạn còn đủ dũng khí để bắt tiếp một chuyến xe mới, chưa chắn gì chuyến  xe đó sẽ đưa bạn đến nơi bạn muốn đi? Nhưng dù quyết định bước xuống hay đi tiếp bạn cũng cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo kẻo ân hận về sau!
Mỗi bước chân trên cuộc đời đều chông chênh và dễ dàng vấp ngã! Nhưng chỉ cần bạn vững tâm đi theo con đường mình đã lựa chọn bạn sẽ chẳng bao giờ sợ mình vấp ngã trên hành trình chinh phục ước mơ! Bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có lúc lựa chọn chuyến xe không đúng bến mà mình mong muốn, không đi về cái đích mà bạn cần! Nhưng đừng vì thế mà vội vã bước xuống một nơi nào đó không có trong lịch trình của bạn!
Đừng bao giờ tỏ ra hoảng sợ hay chán nản trên chuyến xe mình bắt nhầm bạn nhé, bạn vẫn có thẻ học hỏi được rất nhiều thứ từ cuộc sống trên chính chuyến xe bắt nhầm đó! Bạn sẽ học được những thứ chưa hẳn nếu bắt chuyến xe bạn nghĩ là đúng sẽ học được ! Bởi vì cuộc sống chứa đựng rất nhiều điều kỳ diệu, bạn sẽ khám phá ra khi bạn tận tâm lắng nghe những gì cuộc sống mách bảo cho bạn!  Vì thể bạn hãy ngồi trên xe quan sát những gì đang diễn ra xung quanh để chắc chắn một điều bạn đã đi sai đường! Có như thế khi quay lại bạn sẽ không còn bắt nhầm chuyến xe bạn muốn đi nữa!
nhung chuyen xe cuoc doi 1 300x225 Nhưng chuyến xe cuộc đời Hãy nhớ rằng sự trãi nghiệm nào cũng có cái giá của nó và không cótrãi nghiệm nào là vô ích bạn nhé! Chỉ cần bạn vững tin bạn sẽ đi đúng cơn đường ban muốn đi! Nếu càng hoảng sợ, càng chán chường và mệt mỏi bạn sẽ càng khó khăn trên con đường sắp tới! Biết đâu, chuyến xe sau bạn lại bắt nhầm thì sao! Thế nên, nếu biết mình đã đi sai đường tốt nhất bạn hãy dừng lại và quyết định bắt đầu lại con đường mà bạn thự sự muốn đi! Đừng cố gắng thích nghi với chuyến xe bắt nhầm đó, bởi vì bến sau cùng đều giống như nhưng hành trình lại hoàn toàn khác nhau đó bạn!
Đừng vội cho  rằng bạn đã đi sai và phải xuống ngay lập tức, bởi vì bến đó chưa hẳn có chuyến xe bạn phải đi! Hãy hỏi những người xung quanh bạn xem bạn có thể bắt đầu lại  ở bến nào để không mất công bắt thêm những chuyến xe khác bạn nhé! Tất cả chúng ta đều có lúc có thể đi sai con đường mà chúng ta phải đi! Nhưng chỉ cần chúng ta định vị được vị trí được chuyến xe chúng ta cần đi làm bạn sẽ làm được điều và mình muốn làm
Bạn đừng bao giờ đừng hoảng sợ kh lựa chọn chuyến xe mình phải đi đến những mục đích, ước mơ của bạn! Chỉ cần bạn vững tin vào cuộc sống, vào chính bản thân mình, bạn sẽ làm được điều mà bạn muốn! Thành công chỉ thực sự đến với những ai luôn vững tin và vượt qua những khó khăn mà cuộc sống đặt ra cho bạn!
Đừng bao giờ nói rằng, bạn chấp nhận chuyến xe bắt nhầm bạn nhé! Bởi vì chúng ta không có nhiều thời gian để thực hiện những điều mình muốn đâu bạn! Thế nên, nếu đã chắc chắn bạn đi sai đường, bạn hãy dừng lại ngẫm nghĩ xem mình có nên đi tiếp hay quay lại bắt một chuyến mới dẫn đến vị trí mà bạn muốn đi bạn nhé! Cuối cùng, chúc bạn thành công trên những chuyến xe buýt cuộc đời!

Phép thử lòng đam mê

Có bao giờ bạn tự hỏi: đam mê của mình là gì? Và làm thế nào để biết được đó có thực là đam mê của mình hay không? nHiều người trong cuộc sống thường nói rằng: làm việc dần dần rồi cung sẽ quen, se thích nghi được với công việc thôi mà! Đam mê hay sở thích có gì quan trọng đâu? Có người nghe còn bảo: chạy theo đam mê rồi sẽ có lúc gặt phải quả đắng! Nhưng bạn ơi, không thích một điều gì đó mà cố gắng làm để rồi thích nghi với nó liệu có dễ dàng không? Có đáng không khi bạn có thể theo đuổi ước mơ và đam mê thật sự của mình!
phepthulongdamme 300x199 Phép thử lòng đam mê Mình đọc được đâu đó công thức để thành công bao gồm: làm việc mình thích -> kiếm tiền->làm việc mình thích! Còn thất bại sẽ là: làm việc chăm chỉ-> kiếm tiền -> làm việc mình thích! Bạn thì thế nào? Khi bước chân vào cuộc sống, công việc đầu tiên bạn làm là gì? Vì đó là việc mà bạn thích hay vì bạn làm để kiếm tiền! Nếu chỉ làm đơn giản chỉ để kiếm tiền thôi sẽ có lúc bạn cảm thấy chán nản và mệt mỏi với con đường mà bạn đang di đấy bạn ạh!
Chúng ta đều có những sở thích, đam mê của riêng mình, có người không bao giờ dám nghĩ đến việc sẽ theo đuổi chúng! Nhưng một khi theo đuổi chúng được rồi, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vô cùng thỏa mãn! Người ta thường nói: hạnh phúc nhất là được sống với những gì mình thích! Mình tin rằng họ đã từng sống như thế nên họ mới nói ra được câu nói hết sức ý nghĩa này! Bạn có biết làm thế nào để xác định đam mê của bạn là gì chưa?
phep thu long dam me 300x225 Phép thử lòng đam mêNếu cho bạn làm không công một việc gì đó bạn có làm không? Nếu bạn sẵn sàng làm nó bạn đã tìm thấy đam mê của bạn là gì rồi đấy! Những việc bạn thích làm, muốn làm và sẵn sàng dốc hết sức cho nó dù không được tính tiền nhưng vẫn làm bạn cảm thấy hạnh phúc! Đó chính là việc đem lại cho bạn niềm đam mê cháy bỏng! Bạn muốn biết đam mê thực sự của bạn là gì phải không? Hãy cầm giấy bút lên và viết lên: sở thích của bạn là gì? Bạn thích làm gì nhất? bạn đam mê cái gì? Đừng bao giờ nói với mình bạn thích ăn và ngủ nhất nhé, hãy trung thực nhìn nhận vấn đề để có thể tìm ra niềm đam mê của bạn là gì?
Có người thích xem phim, đam mê điện ảnh và mong muốn trở thành một kịch gia! Bạn nghĩ niềm đam mê của người này là gì? Đó chính là viết lách đấy bạn ạh! Họ có thể thả hồn trong những bộ phim để rồi tưởng tượng ra những gì mà họ nghĩ đến! Công việc phù hợp với người này đó chính là copywriter, làm bào, biên kịch… Không phải đam mê điện ảnh thì chỉ có một lĩnh vực điện ảnh để họ bay nhảy và thực hiện đam mê của mình đâu bạn! Thế nên, lúc này bạn hãy liệt kê ra những lĩnh vực phù hợp với đam mê của bản thân để rồi tìm kiếm cho mình một lĩnh vực phù hợp nhất! Bạn cũng có thể lựa chọn cho mình một hay nhiều lĩnh vực, nhưng tốt nhất hãy chọn lĩnh vực nào phù hợp nhất với khả năng và tính cách của bạn! Đừng quá tham vọng để rồi thất bại bạn nhé!
Tiếp theo bạn cần có thể cho mình biết nếu không phải kiếm ăn hàng ngày bạn sẽ dành thời gian cho việc gì nhiều nhất! Hồi trước, khi còn được cha mẹ chăm chút toàn thời gian của mình dành cho việc viết lách! Những câu chuyện vu vơ post lên để nhận về những comment dễ thương và vô cùng ý nghĩa! Còn bạn, bạn sẽ phá CPU ra rồi lắp lại phải không? Hay ngồi hàng giờ để vạch ra chiến lược kinh doanh cho mình? Quả là có rất nhiều câu trả lời đây, nhưng bạn hãy nhớ những gì bạn dành thời gian nhiều nhất chính là việc bạn muốn làm ở tương lai đấy!
phep thu long dam me 2 300x300 Phép thử lòng đam mê Khi làm những việc này có bao giờ bạn cảm thấy chán nản hay bị nó hấp dẫn đến nổi không thể buông ra được! Mình còn nhớ, lần đầu tiên đứa em họ mày mò photoshop nó đã ở liền trong phòng suốt ba ngày trời chỉ để ghi nhớ những công cụ hỗ trợ! Tiếp theo đó là mấy tuần lễ học lỹ thuyết, thực hành trên máy để rồi hãnh diện khoe với đám bạn bức ảnh lung linh! Sau này, khi lựa chọn ngành để thi nó quyết định học đồ họa để theo đuổi đến cùng đam mê của mình! Còn bạn, việc gì khiến bạn không thể rời xa nó và không bao giờ cảm thấy chán nản khi bạn thực hiện nó?
Mình chúc bạn sẽ tìm thấy và theo đuổi đến cùng ước mơ của bạn! Hãy nhớ rằng, chỉ khi bạn thực sự thích điều gì đó bạn mới yêu thích công việc của mình! Đừng nhắm mắt đưa chân, đừng nghỉ rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ bạn sẽ có được những gì bạn muốn! Hãy làm việc bạn thích để rồi tìm kiếm cho mình những gì bạn muốn từ những đồng tiền do công việc bạn thích làm ra!

Hãy nói KHÔNG khi bạn không muốn

Nhiều khi trong cuộc sống chúng ta ép bản thân mình làm những việc mà bản thân không hề thích thú! Có thể để làm hài lòng ai đó, hoặc vì không muốn làm người khác thất vọng bạn khoác lên mình một gương mặt khác, chấp nhận sống không phải là mình để làm họ hài lòng! Nhưng khi còn lại một mình bạn lại cảm thấy trống trãi, cô đơn và buồn bã đến cùng cực bởi vì bạn không biết rõ mình là ai, mình thực sự cần gì và muốn gì cho cuộc sống của mình!?
hay noi khong khi ban khong muon 300x187 Hãy nói KHÔNG khi bạn không muốn Có một lúc nào đó, khi bạn choàng tỉnh dậy chợt nhận ra bạn đã khác xưa quá nhiều, cảm thấy chơi vơi giữa cuộc đời và muốn tìm lại mình của ngày xưa! Nhưng bạn lại không có đủ dũng cảm để sống thật với con người của mình, bạn sợ sẽ làm những người thân của bạn đau lòng, thất vọng và không còn yêu thương bạn nữa! Bạn sợ sẽ đánh mất đi hình ảnh lung linh của mình trong mắt người khác! Cố gắng nói “ VÂNG” dù rằng bạn chẳng hề thích thú khi làm những chuyện mà họ yêu cầu!
Cuộc sống cứ trôi dần theo năm tháng, những nhu cầu của bản thân, những ước nguyện của chính mình bạn gói vào một bọc và ném xuống sâu thẳm trong trái tim mình! Vì người khác bạn đánh mất cái tôi cá nhân, bạn đánh mất những niềm vui, niềm đam mê và ước mơ của bạn! Liệu có đáng không khi cuộc đời là của bạn, do bạn quyết định mà bạn lại sống theo cách mà người khác muốn chứ không phải cách mà bạn muốn sống! Chúng ta thường nói rằng: ước mơ lớn nhất của tôi là được sống thật với con người của mình! Nhưng mấy ai trong số chúng ta làm được như thế!
hay noi khong khi ban khong muon 1 300x225 Hãy nói KHÔNG khi bạn không muốn Không vì lợi ích, không vì tạo niềm vui cho người khác, không muốn làm bố mẹ thất vọng thì cũng vì một lý do nào đó khiến bạn không thể sống theo cách mà bạn mong muốn! Dẫu biết rằng chúng ta sống đâu chỉ cho riêng mình, nhưng trước tiên nếu chúng ta sống vì người khác mà bỏ quên đi khao khát của bản thân thì chúng ta sẽ gặp bất hạnh trong cuộc đời! Đó chính là đánh mất con người của chính mình! Đó chính là khi chúng ta tự lừa dối bản thân mình để cố gắng sắm vai một người khác!
Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ làm người khác thất vọng bởi vì bạn muốn làm một con người hoàn hảo! Đừng sống như vậy bạn ơi, hãy nói KHÔNG khi bạn không muốn! Đừng bao giờ vì cố gắng làm hài lòng người khác mà dối lừa chính mình! Hãy trung thực với bản thân trước khi bạn làm vui lòng một ai đó! Cuộc đời của bạn đừng để trở nên vô nghĩa vì sự giả tạo của chính mình! Hãy làm những gì mà bạn mong muốn và khước từ những điều bạn không muốn thực hiện!
Hãy đi theo con đường mà trái tim hướng đến, dù có nhiều chông gai, dù có nhiều thử thách nhưng nó sẽ mang niềm vui đến với bạn, nó sẽ đem lại hạnh phúc, sự bình an và thanh than trong tâm hồn! Nó sẽ đem lại cho bạn cảm hứng để sống và làm việc!
gia tri cua cuoc song Hãy nói KHÔNG khi bạn không muốn Có nhiều người dễ dàng buông tay người mình yêu thương, hay từ bỏ ước mơ của mình chỉ vì bố mẹ và những người bên cạnh nói rằng: người đó không hợp với con, công việc đó không phù hợp với con! Chỉ mình bạn mới biết rằng công việc ấy, con người ấy có hợp với bạn không mà thôi! Người khác không phải chúng ta, họ nhìn theo con mắt chủ quan của họ chứ không phải là sở thích, suy nghĩ của chúng ta! Vì thế lời họ nó chỉ mang tính chất tham khảo! Bạn đừng bao giờ vì những lời người khác nói mà dễ dàng nói : VÂNG rồi từ bỏ những điều bạn khao khát! Hãy nắm giữ ước mơ của mình cũng như đừng bao giờ từ bỏ người bạn yêu! Bởi vì chỉ có bạn mới nhận ra ai phù hợp với mình, công việc nào hích hợp với khả năng và sở trường của bản thân!
Có người từng nói rằng: cha mẹ là người quan trọng nhất vì thế làm cha mẹ vui lòng đó là nghĩa vụ của con cái! Đúng như vậy, cha mẹ là người quan trọng nhất, là người có ảnh hưởng rất lớn với con cái nhưng cha mẹ không phải là người quyết định cuộc đời của chúng ta! Chính bản thân chúng ta là người tự tìm kiếm cuộc đời của chính mình! Bạn hãy nói KHÔNG khi con đường cha mẹ vạch ra không phù hợp với bạn! Hãy yêu cuộc sống của chính mình như bạn yêu cha mẹ của bạn! Đừng bao giờ vì làm vui lòng cha mẹ mà làm cho cuộc đời của bạn mất hết ý nghĩa! Cãi lời cha mẹ không phải là hư đốn mà là chúng ta đang bảo vệ cuộc đời của chính mình!
Có thể cha mẹ sẽ cảm thấy tức giận và bực bội nhưng bạn hãy chứng minh cho cha mẹ thấy quyết định của bạn hoàn toàn sáng suốt! Hãy gây dựng một cuộc đời thật tốt để bố mẹ tự hào về bạn, bạn nhé! Hãy biết nói KHÔNG khi bạn không muốn, đừng ép bản thân sống theo cách mà người khác muốn! Hãy là chính mình thôi, bạn nhé! Và hãy yêu cuộc đời của chính bạn!
Girls Generation - Korean